CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP Ở XƯƠNG RỒNG VÀ CÁCH CHỮA TRỊ

Nội dung chính

CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP Ở XƯƠNG RỒNG VÀ CÁCH CHỮA

Xương rồng là loài thực vật khá cứng cáp bởi những cái gai sắc nhọn của chúng. Nhưng không vì thế mà chúng không bị nhiễm các loại bệnh và sâu bệnh. Chăm sóc sức khỏe cho xương rồng là điều hết sức quan trọng để chúng có thể sống lâu và đẹp hơn. Hầu hết các bệnh của xương rồng đều do vi khuẩn, nấm và các sinh vật khác gây ra. Việc chữa trị sâu bệnh và đặc biệt là bệnh cho cây xương rồng khá khó khăn, vì vậy cách tốt nhất là bạn nên theo dõi các điều kiện phát triển thường xuyên. Việc phòng ngừa sẽ rất dễ dàng hơn là điều trị. Nhưng nếu không may mắc phải thì chúng ta cần phải điều trị ngay để tránh cây bị chết. Bây giờ chúng ta sẽ đi sâu vào các bệnh thường gặp ở xương rồng nha!

I/ Vi khuẩn và nấm gây bệnh cho xương rồng

Các bệnh thối rữa do vi khuẩn và nấm

Cây xương rồng của bạn có thể bị thối do các nguyên nhân khác nhau – chủ yếu là vi khuẩn và nấm, nhưng có trường hợp là do virut gây nên. Thối rữa là một vấn đề rất phổ biến mà những người mới chơi xương rồng có thể phải đối mặt. Bệnh này sẽ được chia làm 2 loại là thối rữa khô và thối rữa ướt.

1. Nguyên nhân của bệnh thối rữa

Trước hết vào mùa đông, bạn sẽ cần cung cấp cho xương rồng của mình có thời gian nghỉ ngơi, phải tưới ít nước hơn vào lúc này. Nếu bạn tưới quá nhiều vào thời gian này, nó sẽ bị quá tải và không sử dụng hết phần nước dư thừa dẫn đến cây có khả năng bắt đầu bị thối rữa

Một vấn đề khác có thể là nguyên nhân của bệnh thối rữa là tưới quá ít nước cho xương rồng vào mùa xuân và mùa hè. Ở hai mùa này sẽ là mùa để xương rồng phát triển nên bạn cần chú ý về nước tưới và đủ dinh dưỡng cho cây, nếu không được chăm sóc đầy đủ có thể dẫn đến khô rễ và cây không thể phát triển trong suốt khoảng thời gian đó. Việc tưới quá ít nước sẽ khiến hệ thống rễ kém, yếu ớt và nó khó có thể sống sót qua mùa đông và sẽ bị thối.

Cách khắc phục bệnh thối rữa ở xương rồng:

  • Xương rồng của bạn cần đất có trộn thêm đá và chậu có lỗ để thoát nước tốt, tránh việc lưu trữ lại lượng nước thừa khi bạn lỡ tay tưới nhiều. Nếu để đất trồng bị ướt trong thời gian dài, nó sẽ gây thối. Không khí trong chậu đất bị nước làm cho bí bách, tù đọng, độ ẩm cao và nhiệt độ thấp có thể gây ra sự hấp thụ nước chậm
  • Không nên bón phân cho đất bằng phân chuồng và phân bón có hàm lượng hữu cơ cao. Bạn hãy liên hệ các nơi chuyên về chăm sóc xương rồng để có thể tư vấn và chọn được loại đất, chậu và phân bón phù hợp với cây của bạn
1.1 Bệnh thối mềm xương rồng do vi khuẩn

Bệnh này khiến xương rồng thối rữa ẩm ướt và mềm thường do vi khuẩn thuộc giống Erwinia. 

Biểu hiện của bệnh : Sẽ thường có các bọng nước, dịch khuẩn trên lá và có các quầng loang vàng xung quanh. Vết bệnh sẽ từ từ lan ra tới thân và rễ. Cây sẽ mềm đi, cũng có thể có màu sẫm kèm theo các đốm đen.

Khi thay chậu cho xương rồng, hãy cẩn thận để không làm hỏng rễ hay thân của xương rồng. bất kì một vết cắt hay tổn thương nào cũng có thể khiến chúng bị thối rữa. Thối ướt thường xảy ra sau bất kì tổn thương nào đối với cây xương rồng và đó là cách các vi khuẩn xâm nhập vào cây

Các cách chữa bệnh cho cây:

  • Cách ly ngay cây bệnh ra khỏi các cây khỏe mạnh.
  • Cắt bỏ ngay phần lá bị bệnh, cắt xa vết bệnh 2-3cm với dụng cụ vô trùng để không lưu lại vi khuẩn, cũng như không làm vết bệnh lây lan ra xung quanh.
  • Giảm độ ẩm trong vườn, để các cây với mật độ vừa phải, không nên quá dày.
  • Dùng thuốc hóa học để phòng trừ : dùng thuốc Actinovate, Miksabe, Poner, Starner…
1.2 Bệnh thối khô xương rồng do nấm

Bệnh thối khô ở xương rồng do nấm nhìn có vẻ rất khô ráo, chứ không ướt như do vi khuẩn. Bệnh thường do nấm Candidia, Phyllosticta concava gây nên.

Để khắc phục bệnh nấm khá khó khăn, bởi vì khi chẩn đoán được thiết lập trong các giai đoạn sau của tổn thương. Nhưng bạn có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa – để xử lý thực vật ít nhất ba lần một năm với thuốc diệt nấm. Hành động nhanh chóng và loại bỏ các bộ phận bị ảnh hưởng của cây. Việc tốt nhất là nên quan sát kĩ các dấu hiệu có khả năng dẫn đến bệnh thối khô này

1.3. Bệnh úa vàng ở xương rồng

Có rất nhiều lý do khiến cây chuyển sang vàng. Nếu cây chuyển sang màu vàng từ trên xuống thì lý do phổ biến nhất là do cháy nắng. Các cây trồng không phải đều phát triển mạnh trong điều kiện ánh nắng đầy đủ và một số loài có yêu cầu về ánh sáng hoặc bóng râm một phần. Những cây được mua từ cửa hàng hay vườn ươm cũng có thể bị cháy nắng nếu chúng không quen với ánh sáng ngoài trời chói chang. Như vậy bạn chỉ cần cung cấp bóng râm trong những ngày nắng nóng nhất và cây sẽ dần phục hồi. Một giải pháp dành cho những người chăm xương rồng trong nhà, bạn nên sử dụng đèn chuyên dụng dành cho trồng cây trong nhà.

Tuy nhiên, nếu cây xương rồng chuyển sang vàng từ phía dưới gốc lên thân thì đó là vấn đề nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân phổ biến nhất cho điều này là quá ẩm ướt và tệ hơn là thối rễ. Bên cạnh đó, màu vàng của cây xương rồng cũng có thể là một triệu chứng của sự thiếu hụt chất dinh dưỡng và các chất vi lượng cần có trong đất. Sự lây lan của bệnh sẽ bắt đầu từ phần cuối của chồi, chúng được xác định bởi màu sắc ở hai đầu thân cây – một màu xanh lá cây khỏe mạnh chuyển sang màu vàng yếu ớt. Nếu bạn nhận thấy cây xương rồng bị vàng, thường ảnh hưởng đến các bộ phận trên cùng của cây, hãy sử dụng một số loại phân bón để bón cho cây.

2. Làm thế nào để phát hiện ra cây xương rồng của bạn đang thối rữa?

Quá trình thối rữa có thể diễn ra chậm nếu đó là bệnh thối khô; ngược lại, bệnh thối ướt sẽ diễn ra một thời gian nhanh hơn. Nếu bạn thấy rằng cây xương rồng của bạn không phát triển vào mùa sinh trưởng, hay không phản ứng nhanh với nước thì có thể đã có vấn đề với rễ của chúng. Bạn cũng nên cảnh giác khi thấy thân cây bị khô. Hầu hết các quá trình thối rữa đều bắt đầu từ rễ và hoạt động theo một trật tự không xác định. Việc kiểm tra rễ xương rồng thường xuyên có thể phát hiện bệnh thối rữa kịp thời.

Sự khác nhau giữa thối ướt và thối khô:

  • Sự thối mềm có nguyên nhân gây ra từ vi khuẩn. Biều hiện sẽ có rễ và thân ướt, thân cây bị teo với các đốm đen/ nâu.
  • Sự thối khô có nguyên nhân từ các loại nấm. Biểu hiện rất khó nhận biết sớm. Thối khô sẽ trông giống như một đốm nâu lan khắp thân cây.

Bệnh thối rữa sẽ tiến triển rất nhanh, vì vậy bạn phải hành động nhanh chóng. Loại thối rữa này là loại phổ biến mà chắc chắn ai cũng có thể từng nhìn thấy qua trên cái loại cây cảnh không chỉ ở xương rồng – rễ ẩm ướt, đen và khiến cây chết. Cây xương rồng của bạn có khả năng bị nhiễm trùng cao nến bạn để lại bất kì một vết cắt nào mà chưa được điều trị trên cây.

3. Cách khắc phục và điều trị bệnh thối nhũn cây xương rồng

Để ngăn ngừa bệnh thối cây xương rồng, hãy đảm bảo rằng bạn đã làm đúng với các mẹo ở trên (đa số là bạn phải chú ý tưới nước và chăm sóc vào mùa đông). Hơn nữa, trong thời kì sinh trưởng, hãy phun sương cho cây xương rồng một lần vào mỗi tối vì cây xương rồng sẽ mở khí khổng vào ban đêm để giảm mất nước. Việc phun sương cho cây sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn, ngăn ngừa nấm mốc và giúp xương rồng của bạn thở, thoát nước.

Kiểm tra rễ cây mỗi tháng một lần để đảm bảo không bị thối rữa, tránh việc không phát hiện kịp bệnh. Nếu cây bị thối rữa, bạn vẫn có đủ thời gian để cứu cây trước khi nó lan toàn bộ thân cây và sang cả cây khác.

Nếu rễ bị đen, mỏng hay bất kì dấu hiệu nào của việc thối rữa, bạn cần phải rửa sạch cây xương rồng, tỉa hết nhưng rễ bị chết và loại bỏ những phần bị ảnh hưởng. Để làm được điều này, bạn sẽ cần phải khử trùng kéo hay dụng cụ trồng cây ( dùng cồn để tẩy rửa ) và cắt tất cả các rễ chết và tất cả các bộ phận bị thối, thậm chí cần thiết hơn cắt cả phần trên của cây.

Khi cắt, hãy đảm bảo rằng không có đốm đen hoặc nâu trên thân và tiếp tục cắt cho đến khi phần thân sạch sẽ. Sau đó, bạn có thể rửa cây xương rồng và rễ của nó bằng nước ấm. Một nguyên tắc khi thay chậu cho cây cực kì quan trọng là bạn không nên tưới nước cho cây của bạn trước và sau khi thay lên đến một tuần

Bệnh đốm than (thán thư) do vi khuẩn/nấm

Bệnh thán thư trên cây xương rồng do nấm Colletotrichum gây hại. Bệnh sẽ thường vào mùa mưa và thời điểm có nhiều xương đêm. Nguồn bệnh tồn tại chủ yếu ở tàn dư của cây bị bệnh và cả trong đất. Bào tử phân sinh truyền lan chủ yếu nhờ nước và gió. Khi gặp cây ký chủ, chúng xâm nhập qua vết thương cơ giới hoặc trực tiếp qua biểu bì. Ban đầu vết bệnh chỉ là những đốm nhỏ chứa nhiều nước, màu nâu nhạt, sau đó lan rộng và lõm xuống, gặp điều kiện ẩm ướt sẽ xuất hiện những chấm nổi màu nâu đen (đĩa cành của nấm gây bệnh). Nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời, vết bệnh sẽ lan rộng và có thể làm cho cây bị chết.

Để hạn chế tác hại của bệnh, có thể áp dụng các biện pháp :

  • Không nên tưới nước quá nhiều, nhất là vào buổi chiều tối, trong thời tiết mưa cần che chắn bằng nilon trắng vừa có thể hạn chế nước mưa, mà vẫn đủ ánh sáng cho cây.
  • Phải thường xuyên kiểm tra cây và chậu cây thường xuyên, nếu phát hiện bệnh phải mua thuốc và hạn chế tưới nước cho cây.

II/ SÂU BỌ ẢNH HƯỞNG ĐẾN XƯƠNG RỒNG 

Rệp trên cây xương rồng

Rệp là loại bọ nhỏ màu xanh lục, nhưng đôi khi chúng có thể có màu xám hoặc vàng nhạt. Những con bọ nhỏ này thường được tìm thấy theo từng nhóm, hút nước từ cây xương rồng và giết chết hoa. 

Cách khắc phục rệp trên cây xương rồng :

  • Có thể diệt rệp mà không cần bất kì loại hóa chất nào. Bắt đầu điều trị bằng cách cách ly cây bệnh với các cây khỏe mạnh để tránh bị ảnh hưởng. Dùng vòi phun nước áp lực cao và cố gắng loại bỏ hết bọ trên cây xương rồng.
  • Nếu xịt nước cho cây xương rồng không có tác dụng, bạn có thể tự pha dung dịch tại nhà để rửa sạch cho nó. Hãy trộn một ít xà phòng với nước và xịt vào xương rồng của bạn. Còn nếu không có hữu ích, bạn có thể sử dụng thuốc diệt côn trùng để bôi vào nơi có rệp.

Rệp sáp trên cây xương rồng

Rệp sáp là loài gây hại rất phổ biến tấn công các bộ phận khác nhau trên cây xương rồng – rễ, thân, gai,… Chúng sinh sản nhanh chóng và bám vào thân cây hút dịch của nó. Nếu không được điều trị, chúng sẽ tàn phá cây xương rồng của bạn. Rệp sáp trên cây xương rồng sẽ có một lớp cặn trắng hoặc đốm trông như lông tơ. Ngay khi phát hiện ra đám lông tơ này, bạn cần điều trị ngay lập tức; nếu không, cây xương rồng của bạn sẽ trở nên yếu ớt, kém phát triển, cuối cùng là khiến cây chết.

Rệp sáp sinh sản rất nhanh chóng, vì vậy hãy hành động ngay khi nhận thấy chúng. Cách trị rệp sáp trên cây xương rồng :

  • Bạn có thể bắt đầu dùng phun nước áp lực cao vào cây để loại bỏ chúng. Vì lông tơ trên rệp sáp bảo vệ chúng khỏi các loại thuốc trừ sâu, nên sau khi cây hết sạch rệp sáp thì chúng ta sẽ tiến hành phun thuốc trừ sâu lên cây.
  • Cách thứ hai, bạn có thể dùng bông tẩm rượu để tẩy. Rượu sẽ làm tan lớp lông bên ngoài và diệt chúng nhanh chóng.
  • Nếu cây của bạn yếu và ngừng phát triển, bạn hãy kiểm tra rễ của cây vì rất có khả năng một số loại rệp sáp ẩn trong đất và làm tổn thương đến rễ. Trong trường hợp này, bạn cần đi rửa sạch rễ bằng nước ấm, sau đó nhúng rễ vào thuốc trừ sâu và thay chậu cho cây. Bạn hãy đảm bảo rằng rễ đã khô trước khi trồng bằng cách treo nó thẳng đứng và hãy khử trùng chậu và sử dụng đất mới.

Vì rệp sáp là loài gây hại rất phổ biến, bạn có thể sử dụng thuốc trừ sâu để ngăn chặn bất kì sự xâm nhập nào của rệp sáp khi bắt đầu giai đoạn phát triển.

Nhện đỏ gây hại cho xương rồng

Không chỉ nhiễm rệp mà xương rồng của bạn cũng có thể nhiễm loại ve và nhện đỏ là loài có thể tấn công xương rồng của bạn bằng cách hút dịch. Loài nhện đỏ thường rất nhỏ. Chúng có thể sinh sôi trong đất quanh năm, bạn sẽ khó có thể nhìn thấy chúng, nhưng bọ nhện sẽ tạo các mạng lưới nhỏ xung quanh cây. Cây xương rồng của bạn sẽ bắt đầu khô dần và có màu nâu vì nhện đỏ uống hết nước từ trong thân cây.

Nhện đỏ trưởng thành sẽ có màu xanh lục nhạt, nhưng vẫn có con vẫn còn màu đỏ (đặc biệt là những con đang đẻ trứng). Sau khi trị được hết nhện đỏ, cây xương rồng của bạn sẽ tiếp tục được phát triển nhưng phần dưới vẫn còn những mảng đốm màu nâu. Vậy nên đừng lo lắng khi những vết thương cũ không hết đi nhé!

Vậy làm thế nào để điều trị cho cây xương rồng của bạn khi bị nhện đỏ xâm nhập? Nhện đỏ thường sinh sôi nhanh chóng ở những nơi khô ráo, không khí tù đọng và nhiệt độ cao, chúng rất ghét những nơi độ ẩm cao và có không khí trong lành. Vì thế hãy giữ cho căn phòng hay nơi ở của bạn thật thoáng mát nhất có thể.

Sau đó sẽ chữa trị cho xương rồng của bạn, thời gian xử lí sẽ phụ thuộc vào mùa và mức độ ảnh hưởng của cây. Bạn cần mua các loại thuốc trừ sâu bọ để loại bỏ. Khi điều trị nhất định phải che chắn cho xương rồng khỏi ánh nắng trực tiếp để tránh bị bỏng. Vào mùa hè, khi trời nóng, việc điều trị sẽ kéo dài lâu hơn một chút.

Bọ trĩ trên xương rồng

Trong tổng số các loài bọ trĩ, thì chỉ một phần trong đó loại bọ trĩ ảnh hưởng đến cây xương rồng. Bọ trĩ thường có màu xanh lục hoặc đen xám khi trưởng thành và có màu xanh non khi chưa lớn. Bọ trĩ có kích thước rất nhỏ, chiều dài khoảng 1,5mm và có thể sống quanh năm trong đất của cây trồng.

Cách trị bọ trĩ cho cây xương rồng : Bọ trĩ rất nhỏ và sẽ tất khó tiêu diệt, giải pháp tốt nhất để trị bọ trĩ là dùng bông tẩm rượu và loại bỏ bằng biện pháp thủ công.

Điều này sẽ không thể trị tận gốc chúng, vì vậy bạn cần dùng thuốc trừ sâu hoặc thuốc diệt côn trùng trong mùa sinh nở để giảm số lượng và loại bỏ bọ trĩ. Và hãy đảm bảo rằng thuốc đã được pha loãng trước khi tưới vào cây để tránh việc làm cháy cây.

-Ngọc Huyền-

đọc thêm

Bài Viết Liên Quan

Developed by Tiepthitute
Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay